Bệnh cảm cúm là một trong những căn bệnh mùa đông phổ biến. Nếu không biết cách điều trị bệnh sẽ gây ảnh hướng xấu tới sức khỏe với những biến chứng dai dẳng và rất khó chữa.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 500 triệu – 1,5 tỉ người có thể mắc bệnh cúm, trong đó 3-5 triệu trường hợp cúm nặng và khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong trên khắp thế giới. Trẻ em, người già, người có bệnh mạn tính là những đối tượng dễ bị biến chứng nhiều nhất khi mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.
Cảm cúm là gì?
Cảm cúm là bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp, do nhiều loại vi rút cúm gây ra và không như bệnh cảm lạnh thông thường, các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường đến một cách đột ngột. Những biểu hiện đầu tiên, dễ nhận thấy của cảm cúm là sốt cao, đau đầu, cơ thể mệt mỏi và đau nhức. Nhìn chung, các biểu hiện chung của bệnh cảm cúm là:
- Sốt (thường là sốt cao)
- Đau nhức ở các khớp, cơ và vùng quanh mắt
- Mệt mỏi toàn thân
- Da nóng và ửng đỏ, chảy nước mắt
- Đau đầu
- Ho khan
- Đau họng và sổ mũi
Triệu chứng của bệnh cảm cúm?
Bệnh cảm cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng các triệu chứng của cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm phải virus cúm) và thường nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm.
Triệu chứng lâm sàng của cảm cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm virut. Triệu chứng đầu tiên là sốt, đau hay rát họng. Sau đó là ngạt mũi, ho và chảy nước mũi. Ở trẻ có thể có thêm triệu chứng đau tai; đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa.
Cơ chế lây bệnh cảm cúm?
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi rut từ người bệnh thông qua dịch hắt hơi, sổ mũi trong thời gian từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Cách phòng tránh bệnh cảm cúm?
Bệnh cảm cúm là bệnh do virut cúm gây nên, bệnh dễ lây truyền do virut cúm từ người bệnh phát tán không khí, chúng gia tăng mạnh trong thời gian này là do thời tiết trở lạnh. Để cơ thể không mắc bệnh cảm cúm mọi người cần nâng cao ý thức phòng tránh bệnh.
Nên chú ý ăn uống đủ chất, cần tăng cường các loại rau xanh, củ quả vào thực đơn hằng ngày. Bổ sung dinh dưỡng và cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả có chứa khoáng chất Selenium,vitamin C… để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt trong chế độ ăn uống nên bổ sung tỏi và các chế phẩm từ tỏi vì chúng có tác dụng phòng ngừa cúm, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Uống nhiều nước là một trong những cách giúp cơ thể phòng chống bệnh cảm cúm. Theo các chuyên gia y tế, bị cúm việc uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả…), đặc biệt là nước ấm, sẽ giúp giảm đáng kể triệu chứng nghẹt mũi khó chịu.
Khi cơ thể bị ốm, chức năng phòng chống bệnh của hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng. Vì thế việc rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn giúp ngăn ngừa các virut mới xâm nhập vào cơ thể. Bạn cần phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thức ăn, trước khi cầm nắm thức ăn, sau khi đi vệ sinh, kể cả khi không bị bệnh.
Ngay cả khi không bị cảm cúm thì việc súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp điều ngăn chặn viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh.
Ngoài ra dụng cụ giữ độ ẩm cho không khí là công cụ tuyệt vời giúp bạn phòng chống bệnh cảm cúm. Bởi vì virut cúm không thể hoạt động trong môi trường ẩm.