Đào tạo nghiệp vụ sư phạm được coi là thành phần nội dung cốt lõi của các chương trình đào tạo giáo viên, làm nên chất lượng và tạo ra sự khác biệt giữa các chương trình đào tạo của ngành giáo dục.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) giới thiệu chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm của Nhật Bản, New Zealand; từ đó rút ra những bài học trong đào tạo giáo viên nói chung và đào tạo nghiệp vụ sư phạm ở Việt Nam nói riêng.
Mỗi nước và ngay trong cùng một nước, nội dung chương trình đào tạo giáo viên (ĐTGV) trình độ đại học có thể khác nhau về cấp độ, nhưng đều tập trung vào 4 mảng nội dung cơ bản: Các khóa học chung (đại cương); các khóa học chuyên ngành (môn cơ bản); các khóa học giáo dục; thực tập giảng dạy.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung nhận định: Trong chương trình ĐTGV của một số nước đều có xu hướng chung là đề cao các nội dung liên quan đến nghề dạy học để giúp giáo viên tương lai hình thành các năng lực sư phạm cần thiết cho nghề nghiệp với khoảng 1/3 thời lượng chương trình ĐTGV.
Các nội dung hướng đến hình thành các năng lực sư phạm được sắp xếp trong các học phần liên quan đến cả chuyên ngành và khoa học giáo dục, trong các học phần tự chọn với tỉ lệ rất cao.
Từ đó, TS. Nguyễn Thị Kim Dung đề xuất nâng tỉ trọng các nội dung đào tạo NVSP đặc biệt là thực tập sư phạm. Tổng thời lượng của chương trình phù hợp với mục tiêu đào tạo – những năng lực nghề nghiệp cần đào tạo cho sinh viên.
Chương trình ĐTGV cần đảm bảo mối quan hệ và tỉ lệ hợp lí giữa khoa học chuyên ngành, khoa học giáo dục và thực tiễn phổ thông trong nội dung đào tạo, định hướng vào nghề dạy học.
Cần nâng tỉ trọng khối kiến thức sư phạm trong tổng số đơn vị học trình/tín chỉ của chương trình đào tạo, ít ra cũng lên mức trung bình của các nước tiên tiến trên thế giới là 25% – 30%, trong đó thực tập sư phạm chiếm khoảng 10%. Tức là tương đương với 1/4 thời lượng – 1 năm dành cho đào tạo NVSP
TS. Nguyễn Thị Kim Dung cũng đề xuất cần mở rộng nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm hướng vào người học và thực tiễn hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.
“Tri thức nghiệp vụ sư phạm tạo nền tảng cho năng lực hoạt động dạy học và giáo dục của giáo viên. Đó là các kiến thức về phát triển, các lí thuyết học tập và sự nhận thức sâu sắc các yếu tố tác động đến việc thúc đẩy sự tham gia của học sinh vào quá trình học.
Trong các chương trình này, nội dung học tập dành cho sinh viên sư phạm tập trung nhiều vào việc sử dụng các thông tin về học sinh để tạo ra môi trường học tập có hiệu quả cho tất cả học sinh trong lớp học.
Và như vậy, trọng tâm trong đào tạo giáo viên hướng đến việc làm rõ những đặc trưng của người học, đến việc giám sát quá trình học và sử dụng các minh chứng để can thiệp có hiệu quả vào quá trình học của học sinh” – TS. Nguyễn Thị Kim Dung nêu quan điểm.
Thời lượng dành cho đào tạo nghiệp vụ sư phạm trong khung chương trình hiện hành của các trường sư phạm liệu có quá ‘lép vế” so với đào tạo chuyên môn?
Nghiệp vụ sư phạm chiếm 10%
Khảo sát khung chương trình của một số trường sư phạm lớn nhất nhì cả nước như ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM hay các khoa sư phạm của ĐH Hải Phòng có thể thấy thời lượng của các môn Tâm lý học, Kỹ năng giao tiếp sư phạm, Hoạt động nghiệp vụ… chiếm khoảng trên dưới 10% thời lượng tất cả môn học, như tìm hiểu của gig.vn.
Ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chuyên ngành Giáo dục Tiểu học có 204 tín chỉ (gồm cả tín chỉ bắt buộc và tự chọn) được chia thành 2 khối kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành.
Ở khối kiến thức chung, sinh viên được học 3 tín chỉ môn Tâm lý học (bắt buộc), 1 tín chỉ môn Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm (bắt buộc) và 2 tín chỉ môn Kỹ năng giao tiếp (tự chọn).
Ở khối kiến thức chuyên ngành, các môn Tâm lý học tiểu học, Giáo dục học tiểu học, Sinh lý học trẻ em là những môn học bắt buộc, mỗi môn có 2 tín chỉ. Môn Chuyên đề Tâm lý học tiểu học là môn tự chọn với 2 tín chỉ.
Như vậy, nếu tính cả số tín chỉ tự chọn và bắt buộc thì những môn học dành cho việc đào tạo sinh viên cách thức giao tiếp, xử lý tình huống, nắm bắt tâm sinh lý học sinh chiếm 14 tín chỉ trên tổng số 204 tín chỉ.
Ngoài ra, trường dành 19 tín chỉ cho thực hành, thực tập sư phạm – hoạt động được coi là cơ hội tốt để tăng trải nghiệm, cọ xát thực tế của sinh viên.
Trong khi đó, ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sinh viên được học các môn: Tâm lý học đại cương (2 tín chỉ), Giáo dục học đại cương (2 tín chí), Tâm lý học tiểu học (2 tín chí), Giáo dục học tiểu học (2 tín chỉ), Giao tiếp sư phạm tiểu học (2 tín chỉ), Sinh lý học học sinh tiểu học (2 tín chỉ), Nghiệp vụ sư phạm tiểu học (2 tín chỉ).
Như vậy, nếu tính cả các tín chỉ bắt buộc và tự chọn của khung chương trình chuyên ngành Giáo dục tiểu học, các môn học nhằm trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho sinh viên sư phạm chiếm 14 tín chỉ trên tổng số 135 tín chỉ.
Số tín chỉ dành cho thực tập sư phạm ở trường này là 8 tín chỉ.
Ở Trường ĐH Hải Phòng, các môn học tương tự ở ngành Giáo dục mầm non (trình độ đại học) chiếm 11/125 tín chỉ, chưa tính các tín chỉ thực tập sư phạm. Ở ngành Giáo dục Tiểu học (trình độ đại học), số tín chỉ dành cho các môn học này là 11/125 tín chỉ, bên cạnh 7 tín chỉ dành cho thực tập sư phạm.
Cần những tình huống thực tế nhiều hơn
“Trường sư phạm có trách nhiệm không nhỏ với sản phẩm lỗi của mình”
“Nguyên tắc chung trước tất cả các tình huống mà chúng tôi được dạy là phải giữ bình tĩnh, nhắc nhở học sinh, rồi trao đổi lại với phụ huynh. Mặc dù, lý thuyết này hữu ích và đúng trong nhiều trường hợp, nhưng thực tế trên bục giảng thì muôn hình vạn trạng. Làm thế nào để giữ bình tĩnh trước những tình huống khiến giáo viên nổi điên cũng là cả một vấn đề” – một giáo viên chia sẻ.
Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, những nội dung trang bị cho sinh viên kiến thức về tâm lý, sinh lý học sinh, cách xử lý các tình huống sư phạm thường được đưa vào các môn như Tâm lý học lứa tuổi, Tâm lý học sư phạm, Nhập môn nghề giáo và các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
‘Ngoài ra, trong tất cả môn học, các thầy cô đều cố gắng lồng ghép những giá trị đạo đức nghề nghiệp vào bài giảng. Tuy nhiên, phần lớn những nội dung này mới dừng lại ở việc cung cấp lý thuyết tổng thể cho sinh viên, chứ chưa tiếp cận được dưới hình thức các tình huống cụ thể. Việc đưa vào các tình huống và cách xử lý cụ thể còn hạn chế’ – giảng viên này cho hay.
Chia sẻ về chủ đề này, một số giáo viên trẻ đang dạy cấp THCS ở Hà Nội cho hay, ở trường sư phạm đều có dạy những nội dung này, tuy nhiên đa phần là lý thuyết, phương pháp cao xa, thiếu thực tế. Nếu sinh viên sư phạm muốn có nhiều hiểu biết thực tế hơn thì phải trải nghiệm ở những khóa thực tập.
Một giáo viên khác cho rằng, sẽ rất lý tưởng nếu có những cuốn sách, bài giảng thiết thực hơn do chính những giáo viên đứng lớp chia sẻ về các tình huống mà họ gặp phải hằng ngày và gợi ý cách xử lý.
“Hiện tại, nhiều giảng viên sư phạm không phải là người trực tiếp đứng lớp phổ thông. Các thầy cô không biết đến những diễn biến đa dạng xảy ra trong lớp học, vì thế bài giảng trở nên thiếu thực tiễn”.
“Nhiều sinh viên sư phạm đến thực tập ở trường chúng tôi quá thụ động, ù lì, chỉ chăm chăm vào kiến thức lý thuyết. Ở trong trường đại học, các bạn hoàn toàn có thể chủ động hỏi các thầy cô bất cứ điều gì, thầy cô đều sẵn sàng giải đáp. Sự năng động, nhanh nhẹn ấy cũng sẽ giúp các bạn linh hoạt trong cách ứng xử, giao tiếp với phụ huynh, học sinh”.
‘Cái tâm của người thầy quan trọng hơn bất cứ giáo trình giáo dục nào’
Một giáo viên có thâm niên hơn 20 năm ở TP.HCM chia sẻ, những câu chuyện không hay về cách ứng xử giữa giáo viên với học sinh được báo chí phản ánh gần đây quả thực là những nỗi đau của ngành giáo dục.
“Thực sự, có những người không nên là nhà giáo. Họ đã chọn sai nghề”. Đó cũng là những tâm sự của các cô giáo trẻ ở Hà Nội.
“Dù chương trình giảng dạy có lý tưởng, sinh viên sư phạm học hành có giỏi giang thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng, là cái tâm của mỗi giáo viên. Nếu người giáo viên thực sự yêu trẻ, muốn dạy trẻ thì sẽ tìm mọi cách để hiểu được các em. Nếu mình làm vì muốn trẻ tốt lên, trẻ sẽ biết. Còn nếu mình làm chỉ vì thành tích của mình thì rất khó để nhận được sự hợp tác của các em. Lớp 6, lớp 7 có thể trẻ không nhận ra, nhưng lên lớp 8, chúng nhận ra ngay các thầy các cô như thế nào với mình”.