Tại cuộc họp do Thủ tướng chủ trì, đại diện tỉnh Khánh Hòa đề nghị hỗ trợ 250 tỉ đồng khắc phục sản xuất, 500 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hệ thống thủy lợi, 400 tỉ đồng khắc phục hạ tầng nhà ở, nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh buôn bán sau bão.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ tình hình bão lũ ở miền Trung thiệt hại rất nghiêm trọng. Ban chỉ đạo Trung ương đã có chế độ thông tin kịp thời.
Thủ tướng, phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên, tình hình bão lũ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì vậy, cuộc họp hôm nay tiếp tục bàn biện pháp xử lý trực tiếp các vấn đề tiếp theo trước tình hình mưa lũ từ Thừa Thiên-Huế đến Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Bão số 12 nguy hiểm, khốc liệt hơn bão số 10. Hoạt động kinh doanh tê liệt hoàn toàn sau bão.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết bão số 12 là cơn bão rất nguy hiểm, cấp độ thiên tai cấp 4 gây thiệt hại nặng nề.
“Có hai cơn bão có cấp độ thiên tai cấp 4 là bão số 10 và số 12, nhưng bão số 12 có mức độ nguy hiểm, khốc liệt hơn bão số 10.
Nguy hiểm ở chỗ bão đổ bộ vào trong bối cảnh hồ, sông đầy nước và gây ra một lượng mưa đặc biệt lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường báo cáo.
Trước nhận định đây là cơn bão mạnh, việc đối phó với bão số 12 đã được triển khai quyết liệt, đã sơ tán dân ra khỏi nơi không an toàn. Các hồ thủy điện, thủy lợi đã được kiểm tra, giám sát bởi ban chỉ huy các tỉnh.
Theo ông Cường, sáng 4-11, bão đổ bộ vào Khánh Hòa-Phú Yên với cấp 12, giật cấp 14, kèm theo mưa rất lớn, có những điểm mưa lớn tới 1.400mm.
Bão số 12 làm 46 người chết và vẫn còn 15 người mất tích. Có 10 tàu vận tải bị sự cố, trong đó có 2 tàu nghiêng và 8 tàu bị chìm.
Sau bão số 12, theo ông Cường, các lực lượng đã nỗ lực tìm kiếm người mất tích. Huy động lực lượng tập trung khắc phục thiệt hại, ưu tiên các công trình của người dân trước như nhà cửa, trường trạm.
“Trọng tâm hiện nay là ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là an toàn hồ chứa. Ban chỉ đạo đã cử ba đoàn đi kiểm tra thực tế tại Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi” – ông Cường báo cáo.
“Hiện nay phải tiếp tục dồn sức vào bảo vệ hồ, điều hành hồ, sơ tán dân. Có nhiều hồ nước vẫn lên, vẫn phải chủ động sơ tán dân, đề phòng khả năng xấu nhất. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng hỗ trợ gạo cho người dân, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh thiệt hại khắc phục hậu quả” – ông Cường kiến nghị.
Khánh Hòa thiệt hại 7.000 tỉ đồng
Thủ tướng đề nghị vùng tâm bão Khánh Hòa phát biểu, ông Lê Đức Vinh, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo bão số 12 gây thiệt hại nặng, tổng thiệt hại ước tính 7.000 tỉ đồng.
Ông Vinh báo cáo đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo các sở ngành, huyện ứng phó với bão, phân công lãnh đạo các ngành, huyện xuống chỉ đạo trực tiếp tại cơ sở.
Tỉnh cũng đã thông báo cho các tàu đánh bắt, người nuôi cá lồng bè sơ tán, việc sơ tán hoàn thành ngày 3-11, chỉ đạo các lực lượng chốt chặn ở các điểm xung yếu.
“Đến nay thiệt hại do bão số 12 đã làm 27 người chết, số người chết này không thuộc vùng sơ tán, hiện còn 5 người mất tích. Toàn tỉnh có 993 nhà sập hoàn toàn, 97.851 nhà hư hỏng, tốc mái, 241.520 gia súc gia cầm chết, bị cuốn trôi, 1.141 tàu thuyền bị chìm. Hiện các tuyến đường vẫn bị ách tắc, đường điện bị đứt chưa khắc phục xong, riêng hệ thống điện thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng” – ông Vinh báo cáo
Về chỉ đạo khắc phuc, ông Vinh báo cáo tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục, thăm hỏi động viên các gia đình có người thiệt mạng, bố trí nơi ở tạm cho các gia đình có nhà sập, đưa lực lượng về hỗ trợ người dân sửa chữa nhà.
“Việc hư hỏng nhà ở Khánh Hòa rất nặng nề, rất cần trung ương hỗ trợ. Tỉnh đã hỗ trợ lương thực thực phẩm đảm bảo người dân không bị đói” – ông Vinh cho biết.
Theo ông Vinh, phải đến ngày 7 hoặc 8-11 mới hoàn thành khắc phục sự cố. Riêng hệ thống thông tin liên lạc, dù ngành viễn thông đã cô gắng, nhưng việc khắc phục còn gặp khó khăn, một số nơi chưa liên lạc được.
Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 25.000 tấn gạo, thuốc và hóa chất xử lý mầm bệnh.
“Đề nghị trung ương hỗ trợ 250 tỉ đồng khắc phục sản xuất, 500 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hệ thống thủy lợi, 400 tỉ đồng khắc phục hạ tầng nhà ở” – ông Vinh kiến nghị.
Phú Yên đề nghị hỗ trợ 320 tỉ đồng
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Việt, bí thư tỉnh Phú Yên cho biết bão số 12 là cơn bão mạnh nhất vào Phú Yên từ trước tới nay.
“Hiện nay điện lưới tại Tuy Hòa đã khắc phục xong 90%, đến ngày 8-11 cố gắng xong toàn tuyến. Các sự cố viễn thông đã cơ bản khắc phục xong. Hiện tỉnh đang huy động tất cả các lực lượng cố gắng hết sức để sớm khắc phục hậu quả. Đề nghị Thủ tướng hỗ trợ cho Phú Yên 300 tấn gạo. Tổng thiệt hại của Phú Yên rất lớn nhưng chúng tôi đề nghị Thủ tướng hỗ trợ 320 tỉ đồng” – ông Việt kiến nghị.
Bình Định đề nghị cứu đói 1.000 tấn gạo
Chủ tich UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng báo cáo thiệt hại bão số 12 rất nặng nề. Ông Dũng cho biết có 8 tàu tàu vận tải chìm và 2 tàu mắc cạn.
“Đây là sự cố không ai lường trước được. Tại cảng Quy Nhơn, theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, chỉ có thể cho 30 tàu vào tránh trú được. Thực tế vào tránh trú bão có tới 104 tàu hàng và tàu công suất lớn neo đậu, có nhiều tàu vào tránh trú không xin phép. Cảng vụ đã bố trí được 53 tàu vào trú trong cảng, còn 51 tàu phải neo đậu ở phao số 0” – ông Dũng báo cáo.
Đến sáng 4-11, có 8 tàu vận tải chìm ở phao số 0 bị chìm, trên tàu có 84 thuyền viên.
“Lúc đó, tỉnh đã huy động được 10 tàu công suất nhỏ ra cứu nạn vì trung ương không có tàu lớn ở đây. Đã cứu được 71 thuyền viên, còn 13 thuyền viên mất tích. Hiện đã tìm thấy 10 thi thể, còn 3 người mất tích”-ông Dũng cho hay.
Về thiệt hại, ông Dũng cho biết ước tính thiệt hại gần 700 tỉ đồng. “Tỉnh đề nghị hỗ trợ một phần kinh phí trong số thiệt hại này, đồng thời hỗ trợ thuốc men. Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng hỗ trợ cứu đói 1.000 tấn gạo”-ông Dũng kiến nghị.
Chủ tich UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xử lý sớm hư hỏng trên toàn tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh.
Quảng Nam: 10 người chết, 10 người mất tích
Ông Đinh Văn Thu, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết tỉnh có 10 người chết, 10 người mất tích.
“Số người chết, mất tích chủ yếu là khu vực vùng núi do sạt lở. Những chỗ tưởng chừng an toàn lại trở thành không an toàn”-ông Thu nói.
“Tỉnh ước tính thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng, tuy nhiên, do hiện nay vẫn có mưa nên tiếp tục di dời. Tỉnh đã huy động lực lượng, Quân khu 5 cũng đã đưa 300 chiến sĩ vào sơ tán dân. Tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ một lượng kinh phí để Quảng Nam khắc phục hậu quả trong thời gian tới”-ông Thu kiến nghị.
Nhiều tỉnh còn mất điện do lũ ngập. Hoạt động kinh doanh ngừng trệ.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo có bốn tỉnh thiệt hại nặng về lưới điện, mất điện gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế.
Hiện nay phía Bắc Khánh Hòa chưa cấp điện trở lại, tình hình còn khó khăn. Toàn tỉnh đã cấp điện được 75%, chậm nhất đến ngày 9-11 sẽ cấp điện trở lại.
Đối với Phú Yên còn huyện Đồng Xuân do nước lũ cao quá chưa cấp điện được, nhưng cũng chỉ đến ngày 9-11 là khôi phục xong.
Quảng Nam hiện nay mất điện 50% toàn tỉnh. Lý do mất điện chủ yếu do ngập, vì vậy nước lũ rút đến đâu sẽ cấp điện đến đó để đảm bảo an toàn.
Với tỉnh Thừa Thiên-Huế, có 18% toàn tỉnh bị mất điện nhưng chủ yếu là do ngập.
“Riêng điện cấp cho Đà Nẵng, phục vụ APEC đã có bộ phận ứng trực, đảm bảo không có vấn đề gì”-lãnh đạo EVN cho biết.
Về hồ thuỷ điện, vị này báo cáo các hồ vẫn đang được vận hành an toàn.
Sau khi EVN báo cáo, Thủ tướng yêu cầu phải dồn sức để sớm cấp điện lại cho dân.
Huế: mưa rất lớn, 6 người chết
Ông Lê Trường Lưu, bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế báo cáo trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh mưa rất to, có nơi mưa trên 2.000mm. Hiện mưa đã giảm nhưng hệ thống đường giao thông vẫn bị chia cắt, đã có 6 người chết.
Tỉnh đề nghị hỗ trợ kinh phí cứu đói, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, do sạt lở.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ gạo cho vùng ngập. Hỗ trợ để khắc phục cơ sở hạ tầng bị sạt lở, thiệt hại trong thời gian qua.
Bà Đào Hồng Lan, thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh xã hội cho biết bộ đang phối hợp các địa phương thực hiện cả giải pháp trước mắt và lâu dài để hỗ trợ gạo cho người dân. Trước mắt đề nghị các tỉnh cân đối trước, nếu không cân đối được mới đề nghị ra trung ương.
“Phải rà để đề nghị hỗ trợ số liệu chính xác. Như Khánh Hòa đề nghị 25.000 tấn thì gấp mấy lần từ đầu năm đến nay, vì vậy cần đề nghị số gạo theo đúng rà soát cấp với đầu hộ dân để triển khai cấp nhanh.
Từng địa phương cũng phải có phương án khi gạo về là hỗ trợ ngay tới người dân, không để gạo lưu lâu”-bà Lan nêu.
Dự báo ngày 12-11 lại có áp thấp nhiệt đới ở biển Đông
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho biết trước những diễn biến phức tạp về bão, mưa lũ, Bộ đã chỉ đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tập trung cao lực lượng, thực hiện dự báo và phát tin dự báo kịp thời.
Trong mưa lũ lớn, ông Hà cho biết các hồ thủy điện, thủy lợi đã góp phần cắt được 70% lượng nước lũ.
“Do diễn biến mưa lũ, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo cuối tuần này có thể có những hình thế thời tiết ảnh hưởng xấu tiếp. Dự báo đến ngày 12 đến 13-11 có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, tiếp tục gây mưa, gây lũ, đây là vấn đề lưu ý”-ông Hà cho biết.
Tại hội nghị, ông Hà cũng cho biết bộ đã cử lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo và các cán bộ môi trường vào Bình Định phối hợp xử lý sự cố dầu tràn.
Các địa phương chưa chủ động
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Bộ Quốc phòng đã huy động tối đa các lực lượng, phương tiện đối phó với bão lũ. Ông Chiêm cũng nêu một số hồ tại Quảng Nam đã được xây dựng lâu và đề nghị phải có những biện pháp kiểm tra, dự báo để tính đến các tình huống xấu để di dân.
Trao đổi với gig.vn, ông cũng thẳng thắn nêu vấn đề chưa chủ động của các địa phương. “Chúng ta chưa chủ động hết, như chỗ Quy Nhơn, nếu bão vào lớn hơn nữa là đập vỡ hết số tàu đó. Tôi cho rằng phải đánh giá những tình huống rất cụ thể như thế để tránh thiệt hại”-ông Chiêm nói.
Ông cũng đề nghị các tỉnh ven biển phải nghiên cứu phương án cụ thể về sắp xếp tàu thuyền của mình.
“Khi có bão vào, khi có số lượng tàu bên ngoài vào tránh trú thì giải quyết ra sao trong điều kiện âu tàu không đủ sức chứa”-ông Chiêm nêu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng nêu vấn đề thiếu kinh nghiệm của các địa phương. Ông Hải cho rằng việc bão vào mà trên tàu còn có người là không ổn.
“Các cấp chính quyền địa phương còn thiếu kinh nghiệm trong ứng phó. Khi bão vào mà tàu vẫn có người dẫn tới thiệt hại về người là rất đáng tiếc”- ông Hải nêu.
Ông Hải cũng cho biết bộ đã nắm tình hình và qua báo cáo việc cung ứng hàng hóa không thiếu, giá cả ổn định.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư cũng nêu vấn đề ý thức của người dân ở các tỉnh ít bị thiên tai còn rất chủ quan.
“Nếu địa phương không quyết liệt tuyên truyền vận động thì bão vào thiệt hại còn lớn. Với những tỉnh bị thiên tai thường xuyên thì việc ứng phó liên tục, quyết liệt hơn, nhưng các tỉnh ít bị thiên tai, nếu bị thì thiệt hại nặng nề hơn” – ông Dũng nói.
Thủ tướng quyết định hỗ trợ 1.000 tỉ đồng cho các tỉnh
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định bão số 12 là cơn bão rất mạnh, gây thiệt hại lớn. Thủ tướng cũng biểu dương công tác dự báo có tiến bộ. Việc điều tiết hồ chứa làm tốt.
Thủ tướng cũng đánh giá nhiều bộ ngành đã làm hết sức để cứu trợ, cứu nạn.
“Yêu cầu các cấp tiếp tục quyết liệt để người dân không bị đói, không để cảnh màn trời chiếu đất”-Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương trong vùng bão lũ, phát động nhân dân, hệ thống chính trị ở địa phương vươn lên cùng với hỗ trợ của trung ương, làm tốt công việc thuộc trách nhiệm cơ sở từ thôn, xóm, xã, huyện nhằm sớm giúp người dân ổn định cuộc sống.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu phải sớm đảm bảo điện cho nhân dân sinh hoạt. Yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo EVN huy động lực lượng, khắc phục hệ thống lưới điện. Huy động lực lượng quân đội hỗ trợ dựng lại nhà cho dân; đảm bảo giao thông đi lại trên các quốc lộ, tỉnh lộ khi nước đã rút. Đảm bảo đủ cơ số thuốc để không xảy ra dịch bệnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục theo dõi các hồ chứa khi có mưa, tiếp tục tìm kiếm người mất tích.
“Hỗ trợ kịp thời cho người dân trên tinh thần không để người dân đứt bữa”-Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng yêu cầu giải quyết hỗ trợ gạo, thuốc đến dân sớm nhất. Thủ tướng quyết định giải quyết một lượng gạo cần thiết cho các địa phương.
“Địa phương thiệt hại nặng là 500 tấn, địa phương nhẹ hơn là 100-200 tấn, ngay sau đây sẽ xuất gạo hỗ trợ”-Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính trình phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương. Thủ tướng nói tổng số hỗ trợ 1.000 tỉ cho các địa phương.
Về tình hình mưa lũ còn tiếp diễn, Thủ tướng khẳng định rõ chủ trương phải tiếp tục theo dõi. Đồng thời phải kiểm tra, đề xuất nâng cấp hồ chứa trên cả nước.
Giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn báo cáo chính phủ về nâng cấp các hồ chứa, yêu cầu các địa phương, Bộ tài nguyên môi trường, cơ quan khí tượng tượng tiếp tục theo dõi tình hình bão lũ, chủ động thông tin để kịp thời ứng phó.
“Các bộ họp hôm nay phải trực tiếp xuống địa phương kiểm tra, xử lý các vấn đề khó khăn của địa phương hiện nay. Tinh thần là tất cả các ngành, địa phương cùng phải xắn tay vào, quyết liệt trong khắc phục hậu quả”-Thủ tướng yêu cầu.